Sign In

Những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn huyện Văn Quan

22:04 27/04/2024

Huyện Văn Quan cách trung tâm tỉnh Lạng Sơn 45 km về phía Tây Nam, tổng diện tích tự nhiên là 54.756,9 ha; gồm có 16 xã và 01 thị trấn với 121 thôn, phố. Dân số toàn huyện là 61.433 người với 13.660 hộ, chủ yếu là dân tộc Nùng, Tày và một số ít dân tộc khác như Kinh, Dao, Hoa... sống xen kẽ, sinh sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông, lâm nghiệp. Có Quốc lộ1B, 279, các đường tỉnh lộ, đường giao thông liên xã và nhiều hệ thống sông suối chạy qua địa bàn thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Toàn Đảng bộ huyện có 37 chi, đảng bộ cơ sở (trong đó có 23 đảng bộ và 14 chi bộ) tổng số đảng viên là 5.576 đồng chí. Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, huyện Văn Quan đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

1

Lễ hội Thồng Lạc, xã Tri Lễ, huyện Văn Quan

Huyện đã chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chỉ đạo thực hiện hoàn thành 05 mục tiêu cụ thể đã đề ra trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, góp phần hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người huyện Văn Quan, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh quảng bá văn hóa trên địa bàn huyện, tăng cường đưa văn hóa về cơ sở và địa bàn đặc biệt khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn.

Nhận thức rõ xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực để đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trong những năm qua huyện đã quan tâm thực hiện tốt các mặt công tác như: Giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, dân số - gia đình, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, công tác giảm nghèo bền vững, phòng chống các tệ nạn xã hội… nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Văn Quan một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của huyện. Công tác giáo dục và đào tạo luôn được luôn được quan tâm thực hiện. Chất lượng giáo dục từng bước được hoàn thiện và nâng cao, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Việc đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo được quan tâm, nhất là việc đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học. Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện đã có 23/49 trường học đạt chuẩn quốc gia.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ được triển khai thực hiện với nhiều hình thức góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân. Hằng năm, toàn huyện tổ chức trên 10 buổi diễn văn nghệ quần chúng và hội thi, hội diễn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hóa của các tầng lớp Nhân dân. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trong cán bộ, đảng viên, công chức, lực lượng vũ trang, học sinh. Phong trào rèn luyện sức khỏe được tổ chức rộng khắp thông qua các đại hội thể dục thể thao từ cấp cơ sở đến cấp huyện; phong trào thể dục thể thao được tổ chức rộng rãi trong cộng đồng dân cư nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của địa phương và đất nước. Tỷ lệ người dân tham gia rèn luyện sức khỏe ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Toàn huyện hiện nay có 25% số người tham gia tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên.

Việc xây dựng các quy ước, hương ước thôn, bản được các địa phương chú trọng thực hiện, đảm bảo đúng quy định. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển cả về số lượng và chất lượng đã có tác động to lớn trong việc duy trì, phát triển môi trường văn hóa ổn định, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã góp phần vào công tác ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại. Năm 2014, số hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa là 6.837/12.890 hộ, chiếm 53%; Khu dân cư văn hóa đạt 22/188 khu, chiếm 11,7%; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đạt 107/143 cơ quan, đơn vị, chiếm 74,8%. Đến hết năm 2023, số gia đình được công nhận gia đình văn hóa là 11.177/13.597 hộ, chiếm 82,2% (tăng 29,2%); Khu dân cư văn hóa là 95/122 khu, chiếm 77,8% (tăng 66,1%); cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đạt 109/115 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chiếm 95% (tăng 20,2%); 100% thôn, khu phố xây dựng được hương ước, quy ước.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn toàn huyện được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo đạt được kết quả quan trọng, có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, gìn giữ và phát huy thuần phong mỹ tục của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Đa số đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, xóa bỏ các thủ tục rườm rà. Việc tang được tổ chức chu đáo, tiết kiệm, nhiều hủ tục dần được xóa bỏ. Việc tổ chức lễ hội ở một số địa phương được thực hiện văn minh, lành mạnh và tiết kiệm, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được đẩy mạnh: (1) Về quản lý di sản văn hóa vật thể: Toàn huyện có 12 di tích đã được các cấp có thẩm quyền xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa bao gồm: Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri, xã Trấn Ninh và di tích Hang Phja Thạng, xã Tân Đoàn là di tích lịch sử cấp quốc gia; 10 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng di tích cấp tỉnh, là các di tích gắn với sự kiện lịch sử, sự kiện cách mạng và di tích khảo cổ. Quan tâm thực hiện gắn biển thông tin di tích, cắm mốc giới khoanh vùng đối với các di tích đã xếp hạng trên địa bàn huyện. (2) Về quản lý di sản văn hóa phi vật thể: Công tác quản lý, bảo vệ, khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện được quan tâm thực hiện. Hằng năm, huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức lễ hội truyền thống; định hướng cho việc tổ chức lễ hội ở các xã, thị trấn với mục đích bảo tồn, phát huy những đặc trưng văn hóa truyền thống trong các lễ hội cổ truyền; tổ chức lồng ghép những nội dung mới phù hợp với cuộc sống hiện nay, tăng cường kêu gọi xã hội hóa trong tổ chức các hoạt động lễ hội. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã tổ chức phục dựng lễ hội lồng tồng truyền thống tại 08 xã; nhiều nội dung, nghi thức truyền thống đã được quan tâm phục dựng trong lễ hội như: Lễ cúng thần nông, múa sư tử, hát then, sli, lượn, kéo co, tung còn, đẩy gậy... (3) Về hoạt động văn nghệ: Hoạt động bảo tồn các thể loại dân ca, dân nhạc truyền thống luôn được quan tâm chú trọng, thu hút được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Nhiều câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng có nội dung sinh hoạt gồm các thể loại dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc Tày, Nùng. Hiện nay trên địa bàn huyện có 59 câu lạc bộ văn nghệ, trong đó có 15 câu lạc bộ văn nghệ cấp xã và 44 câu lạc bộ văn nghệ thôn, phố, thu hút trên 1.000 hội viên tham gia. Nhiều chương trình giao lưu, hội thi, hội diễn văn nghệ đều có những tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống. Từ năm 2014 đến nay tổ chức được 05 cuộc Liên hoan dân ca tại huyện; 01 cuộc giao lưu dân ca Tày - Nùng - Thái với huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; 03 cuộc giao lưu dân ca tại chợ phiên; 01 cuộc Hội thảo về tìm hiểu, sưu tầm vốn dân ca Tày - Nùng trên địa bàn huyện, có trên 100 đại biểu, nghệ nhân tham gia. Tổ chức truyền dạy được 26 lớp hát then, đàn tính với trên 400 học viên; 06 lớp truyền dạy hát quan làng của người Tày, sli, cỏ lảu người Nùng có trên 80 học viên; 06 lớp tập huấn múa sư tử có trên 120 học viên tham gia. Đặc biệt, việc bảo tồn các làn điệu dân ca đã được lồng ghép trong hoạt động ngoại khóa của các trường học trên địa bàn huyện, thu hút được đông đảo học sinh và giáo viên tham gia, điển hình là trường THPT Lương Văn Tri, trường THCS Thị trấn Văn Quan; Trường PTDT Nội trú THCS và THPT huyện, góp phần tích cực trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện.

Việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao tiếp tục đươc quan tâm: (1) Đối với thiết chế văn hoá cấp huyện:  Hiện nay Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện đã có trụ sở làm việc kiên cố; phương tiện hoạt động cần thiết của ngành được đầu tư trang bị, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, từng bước góp phần đưa hoạt động thông tin tuyên truyền cổ động phát triển theo hướng gọn nhẹ và hoạt động có hiệu quả. Thư viện huyện chưa có trụ sở riêng, tạm thời đang được bố trí địa điểm hoạt động tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện; hiện nay đang quản lý 11.360 bản sách phục vụ bạn đọc. Sân vận động huyện trong những năm qua được đầu tư xây dựng, nâng cấp để phục vụ tốt hơn nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của người dân. Sân có diện tích 24.560m2, gồm các hạng mục: Tường bao có chiều dài 700m; mặt đường pitch có diện tích 2.865m2; mặt sân trồng thảm cỏ nhật có diện tích 4.050m2; phần sân trồng cỏ lá gừng có diện tích 2.286m2; còn 3.256m2 bố trí để xây dựng sân chơi các môn điền kinh. Tại khuôn viên sân vận động đã trang bị một số dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, xây dựng Nhà tập luyện và thi đấu thể thao huyện với diện tích 486m2, phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục thể thao của người dân. (2) Đối với thiết chế văn háo cấp xã và các thôn, phố: Từ năm 2014 đến nay, đã nâng cấp, xây mới được 13 nhà văn hóa xã (Tú Xuyên, Trấn Ninh, Bình Phúc, Tràng Phái, Điềm He, Liên Hội, Hữu Lễ, Tri Lễ, An Sơn, Yên Phúc, Tân Đoàn, Khánh Khê, Lương Năng), đến nay toàn huyện có 13/17 xã, thị trấn có nhà văn hóa, chiếm 76,5%. Nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa xã trên 30 tỷ đồng. Trang thiết bị trong các nhà văn hóa đầu tư tương đối đầy đủ bao gồm bàn, ghế, bộ trang trí khánh tiết, âm thanh và các trang thiết bị thiết yếu khác phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt tại nhà văn hóa. Toàn huyện có 02 thư viện xã với trên 2.000 bản sách phục vụ bạn đọc; có 15/17 xã, thị trấn có sân thể thao do xã, thị trấn quản lý, các sân thể thao cấp xã chủ yếu là sân bóng đá, đáp ứng nhu cầu tập luyện của Nhân dân và học sinh các trường học trên địa bàn; có 17 xã, thị trấn có đài truyền thanh, phục vụ tốt cho công tác thông tin, tuyên truyền đến Nhân dân trên địa bàn. 100% thôn, khối phố có nhà văn hóa, trong đó có 60% nhà văn hóa thôn đạt chuẩn.

Công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, công tác tuyển dụng, bố trí sắp xếp cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị ngành văn hóa - thông tin - thể thao được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Bộ máy tổ chức của ngành ngày càng được hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động của ngành từ huyện đến cơ sở có tổng số là 50 người. Trong đó, Phòng Văn hóa và Thông tin có 06 người; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông có 27 người và công chức văn hóa – xã hội UBND các xã, thị trấn có 17 người. Hiện nay, đội ngũ công chức, viên chức, lao động của ngành được nâng lên cả về số lượng và chất lượng; được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và được cử đi học các lớp cao đẳng, đại học, trên đại học theo chuyên ngành phù hợp nhằm từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của ngành.

Thời gian tới với xu thế hội nhập và phát triển, ảnh hưởng của khoa học, công nghệ, công nghệ số, mạng xã hội... sẽ có tác động sâu sắc đến việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Nền văn hóa sẽ có cơ hội tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, từng bước hình thành các mối quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa. Đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa tiến bộ, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Mỗi cá nhân sẽ có cơ hội để học tập, nâng cao trình độ, trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm bởi sự phát triển của nền tảng số và mạng xã hội. Cùng với đó không ít thách thức đặt ra bởi sự giao thoa văn hóa giữa truyền thống và hiện đại, sự phát triển của khoa học hiện nay, một số yếu tố văn hóa truyền thống tốt đẹp có thể bị mai một, văn hóa ngoại lai - xấu độc dễ xâm nhập, sự khó chọn lọc thông tin trên các trang mạng xã hội và công nghệ số ảnh hưởng đến các tầng lớp Nhân dân… trong bối cảnh đó nhằm thực hiện tốt các nội dung của Nghị quyết số 33-NQ/TW, huyện Văn Quan xác định cần đẩy mạng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu chung là “Xây dựng văn hóa, con người Văn Quan phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, truyền thống cách mạng, nhân văn, dân chủ, khoa học và hướng đến chân - thiện - mỹ. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh và nguồn lực nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước”. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tích cực đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ chính trị về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay; cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, ban hành các văn bản phù hợp với điều kiện và thực tiễn của địa phương. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa. Chính quyền các cấp tiếp tục đầu tư đúng mức cho lĩnh vực văn hóa, tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Sử dụng hiệu quả, công khai minh bạch nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước và có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên một số lĩnh vực văn hóa truyền thống cần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và phát triển con người. Tăng cường hiệu quả hoạt động, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ cấp huyện đến cơ sở, trong công tác chỉ đạo thực hiện phát triển văn hóa. Quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa ở cơ sở, duy trì, nhân rộng hoạt động của các Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thiết thực, thu hút đông đảo người dân tham gia…

BAN BIÊN TẬP

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều