Sign In

Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

22:25 27/04/2024

Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt; chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo thực hiện tốt việc đưa nội dung công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào Bộ tài liệu và câu hỏi Cuộc thi Bí thư Chi bộ giỏi tỉnh năm 2023 để nghiên cứu, sử dụng từ cấp tỉnh đến cơ sở; tổ chức Hội nghị phổ biến, học tập tác phẩm ”Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến các cấp ủy đảng, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh; công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc được triển khai thực hiện khẩn trương và tích cực; tăng cường chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với công tác quản lý xuất nhập khẩu, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và các hoạt động liên quan. Đặc biệt trong năm 2023, lực lượng chức năng đã đấu tranh phát hiện và khởi tố mới 13 vụ án tham nhũng, tiêu cực với 80 bị can; Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực tỉnh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo 11 vụ án, 03 vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; đã kết thúc đưa ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo 03 vụ án; đưa ra xét xử 02 vụ án; chuẩn bị xét xử 01 vụ án; đang tiếp tục điều tra 05 vụ án; 01 vụ việc đã ra quyết định không khởi tố vụ án; 02 vụ việc đang được tiếp tục chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, điều tra làm rõ.

1

TAND tỉnh Lạng Sơn xét xử sơ thẩm vụ án Mua bán tài liệu bí mật Nhà nước

Với những kết quả đạt được nêu trên về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần tích cực tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân, của cán bộ, đảng viên đối với Đảng, đối với cấp ủy, chính quyền trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, qua triển khai thực hiện, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số mặt hạn chế, khó khăn như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tuy được quan tâm, triển khai thực hiện, nhưng một số cơ quan, đơn vị xây dựng văn bản còn chưa cụ thể hóa sát với tình hình, cơ quan, đơn vị, địa bàn; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả chưa cao, có nơi còn hình thức; một số cấp ủy cơ sở, cơ quan, đơn vị chưa thực sự chú trọng đến công tác phòng ngừa, tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong Nhân dân, đặc biệt là giáo dục văn hóa liêm chính, không tham nhũng trong trường học, cơ quan, đơn vị; giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống nhằm ngăn chặn suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa ” trong nội bộ. Công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý cán bộ, đảng viên của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế; công tác tuyên truyền, cảnh báo để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực có lĩnh vực, địa bàn chưa đạt hiệu quả cao. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra có lúc chưa thực sự trọng tâm, trọng điểm; công tác tự kiểm tra nội bộ, phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chưa đạt hiệu quả; vẫn còn để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức chưa chấp hành nghiêm quy định, quy trình công tác, tiềm ẩn phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Một số vụ việc phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra chuyển cơ quan cảnh sát điều tra chưa được giải quyết dứt điểm, còn chậm do vướng mắc trong công tác định giá tài sản, giám định thiệt hại. Một số vụ án, vụ việc thời gian xảy ra đã lâu, có liên quan đến nhiều đối tượng; thời gian điều tra, xử lý kéo dài nên còn chậm tiến độ. Đội ngũ cán bộ chuyên trách tham mưu làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cấp ủy, cơ quan, đơn vị còn ít, năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế.

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục các mặt hạn chế, khó khăn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như sau:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng, cấp bách, lâu dài. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, lấy phòng ngừa là chính; phát hiện, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực để giáo dục, răn đe. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính; ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước của cán bộ, đảng viên; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; phê phán, lên án, đấu tranh với hành vi tham nhũng, tiêu cực. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức người đảng viên và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức.

 Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý thông tin về tham nhũng, tiêu cực, xác minh, điều tra làm rõ, xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ việc, vụ án xảy ra; xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Những vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xem xét kỷ luật hoặc xử phạt hành chính đúng quy định của Đảng và Nhà nước, đồng thời nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Quy chế phối hợp trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cơ quan trong khối Nội chính và cơ quan liên quan; trong đó, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan và nghiêm túc triển khai thực hiện.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phâm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ một cách thực chất và hiệu quả; bảo đảm đúng quy định, quy trình, công tâm, khách quan, chặt chẽ, thận trọng trong từng khâu của công tác cán bộ; không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tham nhũng, tiêu cực vào đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp. Không đưa vào quy hoạch cán bộ với những người có nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ đến hết nhiệm kì, hết thời hạn bổ nhiệm. Khuyết khích văn hóa từ chức và giáo dục để “từ chức” trở thành nét văn hóa phổ biến trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Đổi mới công nghệ quản lý, mở rộng mô hình một cửa điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Có cơ chế, chính sách, chế độ thỏa đáng, đảm bảo đời sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và gia đình, giúp họ yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ, để không cần tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính ở địa phương theo hướng cụ thể, ban hành, công bố thủ tục hành chính đặc thù, thủ tục hành chính liên thông thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, tinh giảm tối đa thủ tục hành chính; hoàn thiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà công dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát ngăn ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực

Chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực để xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng nể nang, xử lý không nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động, khuyến khích và phát huy tối đa Nhân dân tham gia giám sát, phát hiện, tố cáo mọi cán bộ có hành vi tham nhũng; bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương tạo điều kiện để mọi người dễ phát hiện hành vi tham nhũng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những trường hợp người đứng đầu không gương mẫu, tích cực, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc có hành vi bao che, dung túng, cản trở việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, có trọng tâm, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội.

Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo phương châm “Khi phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, thi hành án mới chuyển”.

Bốn là, triển khai thực hiện toàn diện, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng và Nhà nước

Thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ. Từng bước thực hiện tốt việc kiếm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thông qua kê khai, minh bạch tài sản, xác minh tài sản và thu nhập, tính tự giác, chủ động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và phải có chế tài nghiêm khắc liên quan đến kê khai tài sản cá nhân khi sai phạm.

Thực hiện cơ chế phối hợp của các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản, nhất là công tác phối hợp giữa cơ quan điều tra với cơ quan thanh tra, kiếm toán đế sớm tiếp nhận vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự nhằm kịp thời có biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản, không đế các đối tượng hợp thức hóa, tẩu tán tài sản; chỉ đạo xây dựng cơ chế giám sát của Nhân dân, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát hiện tài sản do tham nhũng mà có.

Kịp thời bảo vệ, khen thưởng xứng đáng người dũng cảm tố cáo, tố giác tham nhũng, tiêu cực, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng, tiêu cực gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, bôi nhọ, hạ bệ người khác.

BAN BIÊN TẬP

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều