Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Hậu Giang: Tăng cường lãnh đạo cấp ủy đảng, cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội... trong hoạt động vay vốn

17:29 19/04/2024
(ĐSCVN) – Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Chỉ thị Số 33-CT/TU ngày 07/2/2024 về tăng cường lãnh đạo cấp ủy đảng, cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và các tổ chức tín dụng trong hoạt động vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn.

left center right del
Khách hàng trên địa bàn huyện Long Mỹ vay vốn ở điểm giao dịch xã. (Ảnh: Báo Hậu Giang)

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang yêu cầu các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh: Chủ trì xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm hỗ trợ trong hoạt động vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tại địa bàn nông thôn tỉnh Hậu Giang”, đảm bảo nhân dân, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, doanh nghiệp tại địa bàn nông thôn vay đủ vốn với chi phí hợp lý từ các tổ chức tín dụng (TCTD) phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, nhằm thúc đẩy phát triển các trụ cột kinh tế nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch tại địa bàn nông thôn theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc xây dựng, thành lập và có biện pháp giám sát các Tổ liên kết tại từng địa phương; gắn các chỉ tiêu hoạt động cụ thể cho từng Tổ liên kết cũng như chỉ tiêu đánh giá chất lượng hoạt động của các Tổ liên kết với Ủy ban nhân dân các cấp để tăng cường hỗ trợ hoạt động vay vốn của nhân dân, doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cũng như hỗ trợ các TCTD trong công tác giám sát vốn vay, xử lý, thu hồi nợ cho vay, nợ xấu trên nguyên tắc lấy việc tiết giảm chi phí trong hoạt động của các TCTD là cơ sở để tiết giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện để người sử dụng vốn vay giảm chi phí trong sản xuất, kinh doanh, nhằm gia tăng thu nhập, lợi nhuận, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh cho hàng hóa, dịch vụ của tỉnh; xây dựng các thương hiệu sản phẩm của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.

Xây dựng cơ chế về phí, xã hội hóa các chi phí bồi dưỡng, hỗ trợ cho lực lượng làm công tác hỗ trợ trong hoạt động cho vay, cung cấp dịch vụ ngân hàng, xử lý nợ, xử lý nợ xấu của các TCTD đối với người vay vốn tại các Tổ liên kết thông qua các nguồn lực tài chính từ các TCTD; nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù cho các chuỗi hàng hóa, các sản phẩm đặc trưng cũng như lực lượng hỗ trợ xây dựng, phát triển, giám sát các Tổ liên kết đảm bảo phù hợp quy định, thiết thực, hiệu quả.

Có ý kiến đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc phát triển mạng lưới các TCTD trên địa bàn, trong đó chú trọng các địa bàn có ít đơn vị mạng lưới của các TCTD nhằm tạo điều kiện cho nhân dân, doanh nghiệp có nhiều hơn các phương án lựa chọn trong việc đặt quan hệ tín dụng, dịch vụ ngân hàng; thúc đẩy quá trình cạnh tranh lành mạnh trong cung cấp dịch vụ tài chính, góp phần thiết thực trong việc thực hiện đa mục tiêu về tài chính toàn diện; hạn chế, giải quyết các vấn đề về “tín dụng đen”.

Có ý kiến đề nghị Hội sở chính các TCTD hoặc đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Hội sở chính các TCTD bổ sung nguồn vốn cho vay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong trường hợp phát sinh các thiếu hụt cục bộ về vốn trên địa bàn.

Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hậu Giang trong việc xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch tăng trưởng tín dụng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, then chốt của tỉnh và tại Chỉ thị này; chuyển đổi số ngành ngân hàng theo các Kế hoạch của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện, cũng như nhận diện các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn thí điểm triển khai, thực hiện Đề án để tổ chức giải quyết, xử lý theo thẩm quyền hoặc có ý kiến đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, nhằm hoàn thiện Đề án, triển khai thực hiện trong toàn tỉnh, góp phần tích cực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Lãnh đạo, hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để Nhân dân trên địa bàn hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung, biện pháp, nguồn lực,... tham gia thực hiện thí điểm Đề án; làm cho mỗi người dân, hộ gia đình hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về vai trò của hoạt động hỗ trợ, liên kết, nhằm tạo sự đồng thuận và quyết tâm trong công cuộc thúc đẩy phát triển kinh tế.

Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức triển khai thực hiện, vận động nhằm khơi dậy và phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự nguyện, tự giác, tự quản của mọi người dân trong việc lựa chọn phương thức triển khai thực hiện các hình thức liên kết, quản lý trong hoạt động sản xuất kết hợp với vay vốn, trả nợ vay ngân hàng.

Tăng cường hiệp thương, phối hợp hành động và phát huy vai trò của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trọng tâm là hoạt động hỗ trợ cả cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp trong việc xây dựng, thành lập, quản lý, giám sát hoạt động liên kết trong sản xuất và vay vốn của nhân dân thông qua các Tổ liên kết tại các TCTD trên địa bàn.

Kịp thời tham mưu, phản ánh đến cấp ủy đảng, chính quyền các cấp giải quyết những tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng và những góp ý, hiến kế, đề xuất, kiến nghị của nhân dân trong việc tạo sự bình đẳng, phát triển song hành sản xuất, kinh doanh và vốn vay.

Đảng đoàn Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Ban Thường vụ Tỉnh đoàn: Lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các Chi đoàn, Chi hội ở cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên của tổ chức mình và nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương liên quan đến xây dựng nông thôn mới kết hợp các chính sách về hoạt động liên kết trong sản xuất, kinh doanh và vay vốn để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, thương mại, dịch vụvà du lịch tại địa bàn nông thôn theo Chỉ thị này.

Gắn các phong trào thi đua của tổ chức mình với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, “phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững” nhất là việc xây dựng các Tổ hợp tác trong sản xuất, cung ứng, chế biến và phân phối hàng nông sản cũng như các phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên địa bàn.

Liên kết giữa các hội trong tổ chức và giám sát hội viên tại các Tổ liên kết sản xuất - vay vốn ở các địa phương, tuyên truyền, vận động để hội viên nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, ngân hàng cũng như việc tuân thủ hợp đồng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo mọi người dân, mọi tổ chức kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật.

Kịp thời đề xuất biện pháp hỗ trợ cho đoàn viên, hội viên gặp khó khăn đột xuất, các vấn đề bất khả kháng nhằm hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với các  TCTD, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên có điều kiện về vốn để tái sản xuất, kinh doanh, mang lại thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện hoạt động liên kết trong sản xuất - vay vốn thông qua các Tổ liên kết nhằm hỗ trợ hoàn thiện nội dung, phương pháp liên kết trong các tổ; kịp thời phát hiện, giới thiệu các mô hình hay, cách làm tiêu biểu để biểu dương, khen thưởng cũng như nhân rộng, phát triển.

Các huyện, thị, thành ủy: Quán triệt, thống nhất nhận thức xây dựng, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân của tỉnh là nhiệm vụ chính trị cốt lõi, vừa cấp bách, vừa lâu dài, thường xuyên và liên tục; lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển kinh tế tại khu vực nông thôn gắn liền với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo vệ an ninh, quốc phòng tại địa phương mà trọng tâm là xây dựng các Tổ liên kết trong sản xuất, kinh doanh và vay vốn có mối quan hệ mật thiết về kinh tế, gắn chặt lợi ích kinh tế với nhau để cùng đồng hành và phát triển theo các nghị quyết, kế hoạch, chương trình của Tỉnh ủy đã xây dựng, triển khai.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp trong việc phối hợp, kết hợp để xây dựng, phát triển, hoàn thiện các chuỗi hàng hóa, chuỗi giá trị, thương hiệu sản phẩm. Trong đó, đầu vào của từng mắt xích trong chuỗi phải tương ứng với một loại hàng hóa chủ lực của tỉnh hoặc đầu ra của mắt xích trước là nguyên liệu đầu vào của mắt xích sau và/hoặc gắn liền với hoạt động vận tải, phân phối mà trọng tâm là việc duy trì thực hiện các thỏa thuận, hợp đồng cung ứng, bao tiêu giữa người sản xuất, chế biến, tiêu thụ trong chuỗi.

Lãnh đạo chính quyền cùng cấp trong việc triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế nói chung, các chính sách tín dụng đặc thù của từng lĩnh vực nói riêng, đảm bảo các chính sách phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và hài hòa với tổng thể chính sách của tỉnh, trong đó, lấy kinh tế nông nghiệp, hoạt động kinh tế tại địa bàn nông thôn làm nền tảng, làm cơ sở, động lực để thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cùng cấp triển khai, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó bao gồm việc hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, các dịch vụ ngân hàng hiện đại từ các TCTD; hỗ trợ các TCTD quản lý, giám sát các Tổ liên kết và xử lý các vấn đề phát sinh trong hoạt động vay vốn, trả nợ của Tổ liên kết với các TCTD….

Toàn văn Nghị quyết xem tại đây./.

 

Trúc An

Tag:

File đính kèm