Sign In

Nghiêm túc nhìn nhận hạn chế về Chỉ số PAPI

20:05 10/04/2024
Đó là chỉ đạo của đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, tại phiên họp trực tuyến kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh quý 1/2024.

Dự hội nghị còn có Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, điểm cầu 9 huyện, thành phố và cấp xã.

Đại biểu tham dự hội nghị.

Ngoài ghi nhận các ý kiến của các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội, hội nghị dành nhiều thời gian “mổ xẻ” nguyên nhân khiến Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tụt hạng. Bà Lê Thị Kim Chung, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh thông tin:  Theo kết quả công bố, Chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh đạt 40,10 điểm, thuộc nhóm thấp nhất, xếp hạng 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 20 bậc so với năm 2022; xếp thứ 12 khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương có các chỉ số thành phần liên quan nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề, nội dung mà người dân đã phản ánh trong quá trình khảo sát, từ đó có chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời.

Ngoài nguyên nhân do lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt các nội dung về đánh giá, đo lường các chỉ số nội dung thành phần, công tác thông tin tuyên truyền, thông tin chỉ số PAPI đến người dân chưa thực hiện tốt; sự tham gia của người dân trong quá trình ra quyết định ở cấp cơ sở chưa cao.

Thì theo đánh giá chung, đối tượng được khảo sát còn ít. Trong đó, một số đối tượng được khảo sát chưa phù hợp, chưa trải nghiệm được thực tế. Ví dụ, nhiều người dân được hỏi về việc tuyển dụng công chức; về thực hiện thủ tục hành chính..., nhưng thực tế, họ không tham gia thực hiện hiện những dịch vụ này.

Bà Dương Thu Hiền, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, phân tích quy trình khảo sát Chỉ số PAPI và nêu một số nguyên nhân tụt hạng chỉ số này của tỉnh. 

Liên quan đến chỉ số này, bà Dương Thu Hiền, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, phân tích: “Cà Mau được đơn vị khảo sát chọn 3 huyện: Trần Văn Thời, Thới Bình và TP Cà Mau với 246 người khảo sát và đối tượng để thu thập thông tin được chọn ngẫu nhiên. Có những nội dung người dân chưa nắm hết, dẫn đến chỉ số thành phần bằng 0”.

Ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, cũng phản ánh: “Với chỉ số này, TP Cà Mau được chọn 2 phường (Phường 5 và 9). Cách thu thập thông tin, khảo sát vẫn chưa mang tính toàn diện. Xét nhiều điểm tính toán, chỉ số này chưa phù hợp, chưa chính xác và chưa đầy đủ. Tỷ lệ chưa thật sự khách quan, cần có sự phản ánh đối với đơn vị tư vấn về quy trình khảo sát này”.

Về vấn đề này, ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các đơn vị, địa phương nhìn nhận rõ ràng, vấn đề nào đánh giá đúng phải chấn chỉnh ngay. Vấn đề nào chưa phù hợp phải có sự phản ánh. Rõ ràng có sự chủ quan của các địa phương, sự phối hợp chưa chặt chẽ trong việc theo sát vấn đề này, bởi quy trình đã có từ nhiều năm qua.

Nhấn mạnh đây là chỉ số quản trị hành chính công của địa phương, được công bố cả nước, ảnh hưởng rất lớn đến tỉnh, đồng chí Huỳnh Quốc Việt đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương có các chỉ số thành phần liên quan cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề, nội dung mà người dân đã phản ánh trong quá trình khảo sát, để từ đó có chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời, nhất là việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Các huyện, thành phố phải rà soát kỹ, phải chỉ đạo từ xã, phường, thị trấn, hội, đoàn thể, các ấp nắm bắt nội dung, tinh thần cuộc khảo sát để người dân hiểu rõ. Phải công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, đây là trách nhiệm của địa phương phải làm. Tập trung chấn chỉnh ngay các chỉ số đạt thấp.

Tại hội nghị, các địa phương còn nêu lên những khó khăn mà địa phương gặp phải trong 3 tháng đầu năm, trong đó có tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở Đầm Dơi, sụt lún ở huyện Trần Văn Thời, thiếu nước sinh hoạt ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhiều vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng ở các dự án...

Vấn đề sạt lở, sụt lún, thiếu nước sinh hoạt cũng được các địa phương phản ánh tại hội nghị.

Chỉ đạo, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp thiết, có tác động lan toả, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về thu - chi ngân sách Nhà nước, quản lý sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; thu hút đầu tư các dự án đột phá, các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh…

Thông tin nhanh về vụ cháy rừng vừa xảy ra tại Nông trường 402, ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng chống cháy rừng trước mùa khô khắc nghiệt. Theo dõi sát tình hình thời tiết, khí tượng thuỷ văn, có giải pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại xuống mức thấp nhất khi có thiên tai.

Được biết, tính từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả tích cực; sản lượng thủy sản tăng 1,8% so cùng kỳ; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai, nhân rộng và ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao./.

Hồng Nhung

Tag:

File đính kèm