Sign In

Công bố sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024

10:02 26/04/2024
Tại Họp báo Công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 diễn ra chiều ngày 25/4, nhiều thông tin liên quan đến hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã được đại diện lãnh đạo các đơn vị Vụ, Cục của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng chia sẻ và giải đáp.


Công bố sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024

 

Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, lãnh đạo Vụ Thanh toán, lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin-Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng chủ trì họp báo. Tham dự Họp báo còn có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN, một số ngân hàng thương mại NHTM, Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như EPay…

Phát biểu khai mạc tại họp báo, bà Hoàng Thanh Nhàn – Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng chia sẻ, để tiếp nối những thành công của năm 2023, sự kiện chuyển đổi số năm 2024 với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” khẳng định quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số tại Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và hiện thực hóa các mục tiêu tại Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), hướng đến nền kinh tế số, xã hội số.

C:\Users\Yen.nguyen2\Downloads\BMT_0964-1.jpg

Bà Hoàng Thanh Nhàn – Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng phát biểu họp báo

Cũng tại họp báo, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, trong thời gian vừa qua Ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch, chuẩn hóa cũng như thu thập, mở rộng thêm cơ sở dữ liệu khách hàng. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, xây dựng và phát triển hệ sinh thái số đa dạng, đa tiện ích và an toàn đang là lựa chọn của nhiều ngân hàng trong thời kỳ chuyển đổi số.

Sau 3 năm triển khai Quyết định 810, hoạt động chuyển số ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Trong năm 2023, thanh toán trên thiết bị di động tăng 59,86% về số lượng và 12,73% về giá trị; thanh toán qua QR code tăng tương ứng 242,46% về số lượng và 157,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và hoạt động ngân hàng số trong 02 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tiếp tục đạt tỷ lệ tăng trưởng khá: Giao dịch TTKDTM tăng 59,6% về số lượng và 32,73% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 51,60% và 23,88%; qua kênh điện thoại di động tăng tăng 63,24% và 33,43%; qua phương thức QR code tăng 846,41% và 1.146,14%; qua POS tăng 2,53% và 3,56%.

Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, NHNN xác định tiếp tục thúc đẩy triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số, các kế hoạch đã đặt ra tại Quyết định 810/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN về kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Thông tư mở và sử dụng tài khoản… nhằm hạn chế rủi ro, tăng cường công tác an ninh, bảo mật của hệ thống thanh toán.

Xây dựng và phát triển hệ sinh thái số đa dạng, đa tiện ích và an toàn

Phát biểu họp báo, ông Nguyễn Hưng Nguyên – Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) chia sẻ , trước thực trạng hệ thống giao dịch vận hành liên tục với khối lượng với khoảng 25-30 triệu giao dịch/ngày được thực hiện thông qua thanh toán online, Napas đang phối hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc xây dựng nền tảng số cung cấp toàn diện các dịch vụ thanh toán trên ứng dụng VNeID nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển hệ sinh thái số đa dạng, đa tiện ích.

NHNN đã triển khai hệ thống kết nối, khai thác Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến (cấp chứng thư số) từ tháng 12/2022. Hiện nay, hệ thống đã kết nối, khai thác dữ liệu dân cư phục vụ xử lý hơn 560 lượt hồ sơ. Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) đã kết nối với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về Dân cư để làm sạch 48,5 triệu thông tin tín dụng. Từ đó, xây dựng nền tảng hạ tầng hệ sinh thái số không chỉ chuyển đổi số các hoạt động ngân hàng mà tích hợp kết nối dịch vụ với các ngành, lĩnh vực khác đảm bảo kết nối liên thông, toàn diện, an toàn.

C:\Users\Yen.nguyen2\Downloads\BMT_1008-1.jpg

ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN phát biểu tại họp báo

Trong năm 2024, NHNN tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quyết định 1813/QĐ-TTg về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025. Xây dựng hệ sinh thái không chỉ bao gồm các dịch vụ ngân hàng được số hóa mà còn tích hợp cả hệ sinh thái số bao gồm hàng trăm sản phẩm, dịch vụ liên kết với đối tác thứ ba, đem lại lợi ích tối đa cho người dùng.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, trong thời gian tới NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD), các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán sẽ cùng đồng hành trong việc tăng cường đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật của hệ thống thanh toán và phối hợp xử lý tội phạm công nghệ cao bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách hàng đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm tài chính, ngân hàng.

Về phía các TCTD, tính đến nay, đã có 58 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp qua thiết bị tại quầy, 14 TCTD đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng.

Trả lời câu hỏi phỏng vấn của báo chí, đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, để nâng cấp hệ thống ngân hàng số của mình, Vietinbank đã triển khai tích hợp dữ liệu khách hàng từ Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực khách hàng, ngoài ra Vietinbank cũng kết hợp công nghệ sinh trắc học như Face ID, nhận diện chính chủ giọng nói để đảm bảo an toàn bảo mật cho khách hàng.

Theo Ban Tổ chức, sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 nhận được sự đồng hành của các ngân hàng, trung gian thanh toán, doanh nghiệp công nghệ gồm: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, VIB, TPBank, OCB, HDBank, MSB, Nam A Bank, Techcombank, SHB, VNPay, Epay, FPT, Napas, LPBank, ACB, Eximbank…

Bên cạnh đó, tại sự kiện sẽ có 16 gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới nhất của các ngân hàng, trung gian thanh toán, doanh nghiệp công nghệ, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm thú vị cho khách hàng. Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 sẽ mở cửa rộng rãi đón khách tham quan từ 8 đến 18 giờ ngày 8-5-2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).

PY (Ảnh: Đức Khanh)

Tag:

File đính kèm