Sign In

Hội Nông dân Việt Nam: Vận động nông dân xử lý rác thải góp phần giảm phát thải khí thải nhà kính

18:26 24/04/2024
(Cổng ĐT HND) – Hôm nay (24/4), tại Hà Nội, diễn ra hội thảo sơ kết dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí thải nhà kính của cộng đồng quốc tế.

Anh-tin-bai

Đồng chí Mai Bắc Mỹ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát biểu tại hội thảo

 

Hội thảo nhằm đánh giá kết quả, chia sẻ kinh nghiệm, các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện hiệu quả dự án; thảo luận việc nhân rộng các mô hình áp dụng kỹ thuật xử lý rác thải; đề xuất các giải pháp giải quyết những khó khăn trong việc triển khai các hoạt động của dự án…

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Mai Bắc Mỹ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết: Biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia phải chịu nhiều tổn thương vì biến đổi khí hậu. Như chúng ta đã biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu là do sự phát thải quá mức khí nhà kính từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Việc xử lý không đúng cách chất thải trong chăn nuôi và phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những tác nhân lớn gây phát thải khí nhà kính.

 

Để góp phần giúp hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp tuần hoàn theo hướng sinh thái, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức EarthCare Foundation (trước đây là Quỹ BRACE) xây dựng dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”. Dự án có thời gian thực hiện 4 năm từ năm 2021 đến năm 2024 và được triển khai tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Anh-tin-bai

Hội thảo sơ kết dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí thải nhà kính của cộng đồng quốc tế

 

Mục tiêu của dự án nhằm biến rác hữu cơ thành nguồn tài nguyên quý; tăng thu nhập cho nông dân từ tài nguyên rác hữu cơ; giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp và do thức ăn thừa; cải thiện sức khỏe đất và tăng cường sức khỏe vật nuôi; bảo vệ môi trường; nâng cao sức khỏe cộng đồng.

 

Dự án được thực hiện hoàn toàn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu như Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI, về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; Quyết định số 1693/QĐ-BNN-KHCN ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí mê - tan) ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030, định hướng năm 2050…

 

Anh-tin-bai

Đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà – Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án báo cáo kết quả dự án

 

“Trong hơn 3 năm triển khai dự án, mặc dù bị ảnh hưởng bởi những nhân tố khách quan như đại dịch Covid-19, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Trung ương Hội mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội; sự tư vấn về chiến lược, định hướng và phương thức thực hiện của các chuyên gia tư vấn của tổ chức Influence At Work (Vương quốc Anh); nhà tài trợ, sự tận tâm của các thầy cố vấn cao cấp, chuyên gia dự án; sự nỗ lực, trách nhiệm của cán bộ Ban Quản lý dự án Trung ương cũng như sự phối hợp chặt chẽ, chủ động của Hội Nông dân 15 tỉnh, thành phố, dự án đã đạt được những kết quả và kinh nghiệm, thấy rõ được một số khó khăn vướng mắc và tồn tại cần tháo gỡ” - Đồng chí Mai Bắc Mỹ khẳng định.

 

Thực hiện Dự án, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức 30 khóa tập huấn giảng viên nguồn (TOT) về xử lý rác thải thân thiện với môi trường cho 470 cán bộ Hội, cán bộ khuyến nông, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại 15 tỉnh, thành phố; tổ chức 530 lớp tập huấn cho hơn 14.500 lượt hội viên nông dân về xử lý rác thải thân thiện với môi trường. 100% nông dân tự nguyện cam kết áp dụng các kỹ thuật đã được học. Đặc biệt, thực hiện Dự án, các cấp Hội Nông dân đã xây dựng được hơn 8.000 mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Trong đó, gần 2.000 mô hình lên men phụ phẩm làm cây trồng thức ăn chăn nuôi; hơn 2.000 mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng và xử lý gốc rạ bằng Trichoderma; gần 1.400 mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; hơn 1.300 mô hình nuôi sâu canxi; hơn 1.300 mô hình nuôi sâu trùn quế.

 
Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự hội thảo

 Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%). Những chất thải, phụ phẩm này có rất nhiều công dụng trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn nhưng hiện nay phần lớn đang để lãng phí, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường. Trên thực tế, việc quản lý hiệu quả chất thải trong chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn có thể giúp gia tăng thu nhập của người nông dân.

 

Sau một ngày làm việc tích cực, khẩn trương, hội thảo sơ kết dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế đã hoàn thành tốt các nội dung, yêu cầu đề ra.

 

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của dự án,  đồng chí Mai Bắc Mỹ đề nghị: Ban Quản lý dự án các tỉnh, thành phố cần rà soát lại các mô hình chưa đúng kỹ thuật và yêu cầu điều chỉnh để phát huy tối đa hiệu quả của các kỹ thuật, từ đó, tăng khả năng nhân rộng các mô hình xử lý rác thải của dự án; bám sát hướng dẫn tổ chức các sự kiện truyền thông và hướng dẫn tổ chức các chuyến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời, xây dựng kịch bản cụ thể và phân công kỹ càng nhiệm vụ của từng thành viên trước mỗi hoạt động. Đặc biệt, việc lựa chọn đúng các mô hình thực sự hiệu quả và đảm bảo kỹ thuật để tuyên truyền, lựa chọn các đối tượng phù hợp tham gia từng hoạt động là rất quan trọng.

 

Anh-tin-bai

Ban Quản lý dự án trao giải hoạt động thi đua khen thưởng trong khuôn khổ dự án

 

Ngoài ra, xuyên suốt chương trình từ khi bắt đầu cho tới khi kết thúc các hoạt động, lãnh đạo Hội Nông dân các cấp và các cán bộ điều phối khi phát biểu cần luôn ghi nhớ và động viên các đại biểu thông qua các thông điệp dự án như: "Những người gìn giữ tương lai xanh", “Cùng nhau xử lý rác hiệu quả hôm nay vì phồn vinh của cộng đồng ngày mai”, “Biến rác thải thành của cải”...

 

Đồng thời, Ban Quản lý dự án các cấp cần phát huy vai trò của lãnh đạo địa phương khi tham gia các chuyến tham quan, học tập và các sự kiện tuyên truyền, nhất là lồng ghép việc nhân rộng mô hình; đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng nhằm tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, thúc đẩy hoạt động của các nhóm giảng viên và nông dân gìn giữ tương lai xanh.

 

 

Anh-tin-bai

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Tag:

File đính kèm