Sign In

Đọc “Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh” để hiểu, yêu hơn về một thành phố “tuyến đầu vĩ đại”

22:02 27/04/2024

Bìa sách “Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh” của tác giả Triệu Quốc Mạnh

(Thanhuytphcm.vn) - Những ngày cuối tháng 4/1975, một đảng viên cộng sản đã được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng cảnh sát Đô thành - Gia Định của chính quyền Sài Gòn (chức vụ trực thuộc Tổng thống chính quyền Sài Gòn), người cảnh sát trưởng đặc biệt đó là Luật sư Triệu Quốc Mạnh. Ở tuổi 80, trong những ngày TPHCM ở cao điểm chống đại dịch Covid-19, tác giả “đã cố gắng ghi lại một cách trung thực hình ảnh, sự kiện đã thấy được của Sài Gòn trong chiến tranh năm mươi năm trước”.

1. Theo các thông tin công bố trên các sách, báo, chính thức xuất bản ở Việt Nam, Luật sư Triệu Quốc Mạnh tốt nghiệp Đại học Luật khoa Sài Gòn, ở tuổi 23 ông được bổ nhiệm làm thẩm phán và là vị thẩm phán trẻ nhất trong ngành tư pháp Sài Gòn - Gia Định. Trong thời gian công tác, ông được phía cách mạng tìm cách liên lạc, móc nối và ông tham gia lực lượng thanh niên vũ trang thuộc Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định. Năm 1966, ông được tổ chức quyết định kết nạp vào Đảng ở khu căn cứ cách mạng Gò Đen, tỉnh Long An.

Trong sách, ông cho biết chiều ngày 25/4/1975, ông được lệnh tới gặp Đại tướng Dương Văn Minh. Ông Dương Văn Minh đã lấy một miếng giấy trắng cỡ nửa trang và viết 3 dòng từ trên xuống là: Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, Cảnh sát Đô thành - Gia Định, Đô trưởng rồi hỏi ông chọn chức vụ nào. Tác giả cho biết ông lấy viết khoanh “Cảnh sát Đô thành - Gia Định”. Trên cương vị đặc biệt này, ông đã ra lệnh thả tù chính trị, giải giáp và làm tê liệt bộ máy cảnh sát đô thành Sài Gòn - Gia Định, tạo điều kiện thuận lợi cho quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn thuận lợi hơn trong những ngày khốc liệt ấy.

2. Cuốn sách do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành quý II/2023, được chia thành 4 phần gồm: (I) Sài Gòn nhìn chung từ Hòa ước Giáp Tuất 1874 đến mùa thu 1945. (II) Kháng chiến bùng nổ và Pháp khủng bố: từ năm 1945 đến 1954. (III) Hoa Kỳ gầy dựng chế độ độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm từ năm 1954 đến năm 1963 và (IV) Chế độ quân phiệt và sự leo thang chiến tranh từ năm 1963 đến 1975.

Khi nghiên cứu về một tác phẩm, bao giờ độc giả cũng mong muốn tìm hiểu về tác giả cũng như hoàn cảnh sáng tác. Là một người trong cuộc, nên những trang viết của tác giả Triệu Quốc Mạnh chứa đựng cả tâm tình, cả hồn cốt của vùng đất mà ông đã gắn bó: Sài Gòn - Gia Định nay là TPHCM. Cuốn sách chỉ với 200 trang viết song tác giả đã làm sống dậy trước mắt người đọc cả một lịch sử hào hùng của vùng đất Sài Gòn - Gia Định từ năm 1874 (Hòa ước Giáp Tuất) đến cột mốc vì đại của dân tộc ngày 30/4/1975 đúng như tinh thần mà cuốn sách mong muốn mang đến cho người đọc, thể hiện ở Lời nói đầu - “có thể là người đã trải nghiệm cuộc sống trong một thời khắc, một giai đoạn nào đó tại Sài Gòn, sách dễ gây nơi họ lòng hoài niệm về một quá khứ; người đọc có thể là người từng sống xa xứ, người chưa từng biết Sài Gòn, sách tạo cho họ những cảm xúc về thành phố hiếu khách, hiếu hòa nhưng cũng rất cương quyết chống lại áp bức, xích xiềng”.

3. Cuốn sách - như cái tên của nó - “Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh”, tức đây là những hồi ức của tác giả, một người trong cuộc nhớ lại, viết lại những gì mình đã chứng kiến. Thế nhưng, tác giả cuốn sách này là một người đặc biệt, ông không chỉ nhân chứng mà còn là tác nhân của nhiều sự kiện gắn với lịch sử hào hùng của vùng đất Sài Gòn - Gia Định. Tác giả không chỉ là người kể sử mà cũng chính là người đã góp phần làm nên lịch sử, nhất là lịch sử những ngày tháng 4/1975 đầy sôi động của đất nước.

Khi nghiền ngẫm những trang sách này, độc giả sẽ hiểu vì sao chúng ta lại có một thành phố Sài Gòn - Gia Định nguyên vẹn sau chiến tranh. Theo tác giả, đó “tinh thần dân Sài Gòn”. Chính “tinh thần dân Sài Gòn” ấy nên trong những ngày khói lửa của chiến tranh khốc liệt, giữa lòng thành phố Sài Gòn - Gia Định đã xuất hiện rất nhiều các phong trào yêu nước, chống chiến tranh, đòi hoà bình của các giới đồng bào trong lòng đô thị. Đó là các phong trào mà tác giả đã liệt kê trong cuốn sách này như “Phong trào của nhân sĩ, trí thức phản đối chiến tranh”, “Lực lượng quốc gia tiến bộ”, “Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris”… Và, cũng chính “tinh thần dân Sài Gòn” ấy đã giữ cho một Sài Gòn nguyên vẹn sau cuộc bể dâu.

Tác giả cho biết: “Trong những ngày cuối cùng ấy, các viên chức chế độ Sài Gòn vẫn bám trụ tới cùng để làm tròn bổn phận. Nhiều ngôi nhà ở Sài Gòn dù chủ đã di tản song mọi đồ vật trong nhà vẫn ngăn nắp, không bị đập phá”, để rồi kết luận: “Sài Gòn nguyên vẹn khi hoà bình vãn hồi là một kỳ công vĩ đại của những người dù có khuynh hướng khác nhau đi nữa nhưng cùng chung ý thức bảo tồn thành phố lịch sử này”.

Theo quy luật, lớp bụi của thời gian sẽ phủ mờ dần các sự kiện, thế nhưng có những sự kiện thì thời gian càng lùi xa càng có điều kiện để nhìn nhận, đánh giá lại một cách khách quan, chính xác hơn, nhất là khi nó được chính những người trong cuộc lên tiếng. Cuốn sách “Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh” của tác giả Triệu Quốc Mạnh đã làm được điều đó. Cuốn sách không chỉ giúp cho độc giả hiểu về “một thành phố tuyến đầu vĩ đại, một công sự vĩ đại, đồng bào nơi đây vừa chiến đấu, vừa đùm bọc nhau, vừa xây dựng để cuối cùng có được một thành quả cũng thật vĩ đại, một Sài Gòn tuyệt đẹp, lẫy lừng” (Lời nói đầu) mà còn qua đó hiểu hơn về lịch sử cha ông mình, lịch sử vùng đất mà mình sống để thêm yêu hơn thành phố này.

Vũ Trung Kiên

Tag:

File đính kèm