Sign In

Nghĩa tình với Hòa Vang

16:44 25/04/2024
(Dangbodanang.vn) - Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện, sự giúp sức chí tình, đầy trách nhiệm của các sở ngành ở thành phố và ý thức vai trò chủ thể của mỗi người dân nên bộ mặt nông thôn Hòa Vang đã có nhiều khởi sắc.

.

Nông thôn Hòa Vang đang phát triển theo hướng đô thị. Trong ảnh: Một góc Khu phố chợ Túy Loan.


Hòa Vang có diện tích đất tự nhiên chiếm 75% diện tích toàn thành phố Đà Nẵng. Khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Hòa Vang có xuất phát điểm ban đầu rất thấp, với chỉ có 4 xã đạt từ 9-15 tiêu chí, 6 xã đạt từ 5-8 tiêu chí và 1 xã chỉ đạt 4 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 18,25%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch trên địa bàn chỉ đạt 43%... Trước thực tế đó, ngày 19 tháng 3 năm 2012, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị 18 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo chương trình xây dựng NTM trên địa bàn thành phố”. Trên cơ sở này, HĐND, UBND thành phố đã ban hành một loạt các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Sau khi có Chỉ thị số 18-CT/TU, Ban Dân vận Thành uỷ đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các mục tiêu, nhiệm vụ của Chỉ thị trong hệ thống dân vận các cấp; Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Ban Dân vận Thành uỷ phối hợp với Huyện uỷ Hoà Vang rà soát nhu cầu cần hỗ trợ thực hiện các tiêu chí chưa đạt trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM; trên cơ sở đó tổ chức các Hội nghị ký kết giao ước hỗ trợ xây dựng nông thôn mới giữa các đơn vị, địa phương với Huyện Hoà Vang.

Với tinh thần “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực hưởng ứng chủ trương của Ban Thường vụ Thành uỷ và thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, nghĩa tình, có nhiều cách sáng tạo, phù hợp để triển khai hiệu quả công tác vận động và tham gia hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Hôm nay, bộ mặt nông thôn Hòa Vang đã có nhiều đổi thay; trong đó hệ thống hạ tầng giao thông là một trong nhiều điểm nhấn đó. Những tuyến đường rộng, thoáng, đẹp được phủ kín trên toàn huyện đã lưu dấu bao giọt mồ hôi, công sức của hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ lưc lượng vũ trang, đoàn viên-thanh niên của các sở ngành toàn thành phố về giúp dân làm đường trong các đợt tham gia công tác dân vận. Có thể khẳng định, nếu không có sự trợ giúp chí tình, trọn nghĩa này thì Hòa Vang rất khó để nâng cấp, mở rộng gần 892,7 km đường giao thông nông thôn trong 10 năm qua. Cùng đó, các sở ngành của thành phố còn giúp nâng cấp, sửa chữa 80 công trình thủy lợi, 09 công trình hồ đập, bêtông kiên cố hóa hơn 79,3 km kênh mương. Những công trình này đã tạo điều kiện cho 92% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện được chủ động nguồn nước tưới tiêu

Đến nay, hệ thống điện trên địa bàn huyện  cơ bản đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch phát triển điện lực của thành phố. Trong 10 năm, đã đầu tư xây dựng mới 195,4 km đường dây trung thế, 468,6km đường dây hạ thế, nâng cấp 243 trạm biến áp. Hiện toàn huyện có 100% tuyến đường liên xã, liên thôn có điện chiếu sáng, gần 70% tuyến điện chiếu sáng ngõ xóm được đầu tư theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm.

Trên lĩnh vực giáo dục, huyện đã rà soát điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp khới nối với quy hoạch chung của thành phố (Bắn chữ: đầu tư xây mới gần 600 phòng học, 70 phòng bộ môn, 10 bếp ăn, khu hiệu bộ, nhà đa năng. Chất lượng giáo dục và đào tạo ở huyện Hòa Vang không ngừng được nâng cao và phát triển. Đến nay, 11/11 xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục các bậc học và vượt chuẩn so với quy định của Trung ương. Cùng với cơ sở trường lớp, huyện đã xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, xây mới, nâng cấp 100 nhà văn hóa thôn; xây mới, mở rộng 13 chợ...

Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, 10 năm qua, cụ thể hóa các cam kết giúp đỡ Hòa Vang, các sở ngành thành phố đã tích cực vận động, hướng dẫn nhân dân cải tạo vườn tạp, phát triển sản xuất, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, tạo ra những hàng hóa chất lượng cao, chuyển các mô hình sản xuất phân tán nhỏ lẻ, manh mún, sang sản xuất chuyên canh như vùng sản xuất rau công nghệ cao, hoa cây cảnh, trang trại chăn nuôi tập trung, nuôi cá nước ngọt; thành lập các Hợp tác xã, tổ hợp tác về nấm, trồng hoa, sản xuất lúa giống hữu cơ, rau an toàn…Nhờ đó, đến nay huyện Hòa Vang có 2.100 hecta vùng chuyên canh lúa, 19,2 hecta vùng chuyên canh hoa và 42,3 hecta vùng chuyên canh rau.

Công tác khuyến công và xúc tiến thương mại được các sở ngành liên quan của Tp chú trọng, với việc hỗ trợ đổi mới máy móc thiết bị cho 54 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và HTX trên địa bàn huyện Hòa Vang. Hiện nay, huyện có 21 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở nông thôn tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài thành phố; tổ chức hội nghị, chương trình kết nối tiêu thụ nông sản.

Trên lĩnh vực an sinh xã hội, trong suốt thời gian qua, các sở ngành, đơn vị trên địa bàn Tp đã luôn đồng hành với huyện trong công tác chăm lo đời sống người dân thông qua các hoạt động hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh cho hộ nghèo; hỗ trợ khó khăn đột xuất, hỗ trợ học bổng, trao sinh kế, thăm, tặng quà, khám sàng lọc bệnh tim và cấp phát thuốc miễn phí, xây mới và sửa chữa nhà ở và có nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Những đóng góp này đã giúp đưa tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Hòa Vang (theo chuẩn thành phố) từ 16,52% năm 2012 xuống còn 1,91% năm 2022.

Công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải rắn được thực hiện hiệu quả, từ nhiều nguồn vốn đầu tư 29,5 tỷ đồng, các sở ngành và huyện Hv đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng 120 công trình cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn, nâng tỷ lệ dân được cấp nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung từ 44,9% vào năm 2012 lên 99,27% vào cuối năm 2021. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội nông thôn cơ bản được đảm bảo.

Qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư trên địa bàn huyện Hòa Vang là  7.331,8 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương: 465,79 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 853,59 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình khác (giảm nghèo, hỗ trợ có mục tiêu): 2.818,42 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, HTX, cộng đồng dân cư: 1.131,2 tỷ đồng. Nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 178.000m2 đất, tiền của, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc và hơn 21.000 ngày công lao động. Đặc biệt, trong 10 năm qua đã có 40 cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tham gia hỗ trợ, giúp Hòa Vang xây dựng NTM với tổng kinh phí hỗ trợ gần 643,5 tỷ đồng và hỗ trợ cho vay gần 11,4 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQVN thành phố và lãnh đạo huyện Hòa Vang tặng hoa cho các đơn vị đã đăng ký giúp huyện xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2023 – 2025.


Từ hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Trung ương và Chỉ thị 18-CT/TU của Thành ủy, các chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của HĐND-UBND thành phố, sự vào cuộc đầy trách nhiệm, nghĩa tình của các sở ban ngành của thành phố và sự chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ của huyện Hòa Vang, ý thức vai trò chủ thể của mỗi người dân nên chương trình xây dựng NTM ở Hòa Vang đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, vào cuối năm 2015, toàn huyện có có 10/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, Hòa Vang là một trong 41 đơn vị cấp huyện trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua hoàn thành nông thôn mới sớm hơn so với kế hoạch đề ra. Hiện nay, huyện Hòa Vang đã có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới(giai đoạn 2), 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy về vận động toàn thành phố chung sức hỗ trợ huyện Hòa Vang xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2023-2025, Huyện ủy Hòa Vang đã phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy tổ chức nhiều cuộc họp bàn phương án thực hiện và trực tiếp làm việc với lãnh đạo sở ban ngành, đơn vị trên địa bàn Tp. Tính đến ngày 24/4/2024, đã có 31 cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân đăng ký 95 nội dung hỗ trợ cho huyện, trong đó có 32 nội dung hỗ trợ về công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ nhân công nạo vét kênh mương và 63 nội dung hỗ trợ kinh phí hoặc công trình, hiện vật, với kinh phí ước tính hơn 16,6 tỷ đồng.

Chặng đường xây dựng huyện nông thôn mới ở Hòa Vang đã đi qua 10 năm. Phía trước còn nhiều thách thức nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị của thành phố cùng với những giải pháp căn cơ của huyện và sự nỗ lực của người dân thì mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% xã hoàn thành xã NTM nâng cao, ít nhất có 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu chỉ còn yếu tố thời gian. Tuy vậy, gam màu sáng từ chương trình xây dựng NTM của Hòa Vang chắc chắn sẽ thiếu đi những nét màu tươi mới nếu thiếu sự chung tay góp sức của các sở ngành của thành phố, sự quyết tâm của cả cộng đồng. Đó mới thật sự là những mảnh ghép rất cần thiết để bức tranh nông thôn mới của Hòa Vang thêm tươi đẹp, rạng ngời.

                                                                  Vu Gia – Công Dân

Tag:

File đính kèm